Tập tính Vẹt Iguaca

Âm thanh
Bạn có thể nghe danh sách các âm thanh của loài vẹt Iguaca tại đây

Vẹt Iguaca là loài hoạt động vào ban ngày, thường là nửa giờ sau khi mặt trời mọc.[28] Chúng là một loài kín tiếng và sử dụng bộ lông màu xanh như là thứ ngụy trang khi bên trong tổ. Ngược lại, chúng có thể vô cùng ồn ào khi ra ngoài. Khi bay, bộ lông sặc sỡ của vẹt Iguaca tạo ra sự tương phản với những khu rừng. Cơ chế bay của loài này tương tự như các loài khác trong chi Amazona, đó là những cú vỗ cánh thấp hơn trục cơ thể, không giống như hầu hết các loài chim khác với đôi cánh vỗ cao phía trên so với trục cơ thể khi bay. Vẹt Iguaca là loài có thể bay với tốc độ tối đa khoảng 30 km/h (19 mph), và khá nhanh nhẹn khi lẩn tránh kẻ thù trong không trung.[29] Chúng cũng là loài tìm kiếm thức ăn theo cặp và thể hiện xu hướng sống với nhau lâu.[30] Có hai kiểu tiếng kêu khi bay, một là khi cất cánh với tiếng kêu quác quác bao gồm một kiểu tiếng kêu quác quác kéo dài và một tiếng giống như tiếng "kèn", thường được sử dụng trong khi bay và có nhiều nghĩa tùy theo hoàn cảnh được sử dụng.[31]

Thức ăn

Giống như hầu hết tất cả các loài trong chi Amazona, vẹt Iguaca là một loài ăn thực vật. Chế độ ăn uống của nó bao gồm hoa, quả, lá, vỏ cây và mật hoa kiếm được từ các tán cây trong rừng. Chúng đã được ghi nhận là loài tiêu thụ được hơn 60 loại thức ăn khác nhau, mặc dù chế độ ăn của chúng trong quá khứ đa dạng hơn nhiều do phạm vi sinh sống rộng lớn. Trong số các loại thức ăn có vỏ quả của các cây Prestoea montana, Dacryodes excelsa, Matayba domingensis; quả của cây Marcgravia sintenisii, Miconia sintenisii, Clusia gundlachii, và Rheedia portoricensis; hoa của Alchornea latifoliaPiptocarpha tetrantha; lá và cành của Clusia grisebachiana, Magnolia splendens, Micropholis garciniaefolia, và Piptocarpha tetrantha; vỏ của Marcgravia sintenisii, Clusia grisebachiana, và Psychotria berteriana;. và chồi non của loài Inga vera.[32] Vẹt Iguaca thường chọn các trái cây có vị trí ngay trước mắt chúng, ngoại trừ một số trường hợp.[33] Khi ăn, loài này sử dụng một chân để giữ thức ăn.[34] Chúng ăn khá chậm rãi, mất khoảng từ 8-60 giây để dừng lại ăn các loại thức ăn.[35]

Tập tính sinh sản

Một cặp vẹt Iguaca thường kết đôi suốt cuộc đời

Vẹt Iguaca thường chỉ kết đôi suốt cuộc đời với một bạn tình, và chỉ thay đổi nếu một trong hai con bị chết hoặc bỏ tổ.[36] Chim trống cũng có thể từ bỏ nếu chim mái bị tổn thương, để tái kết đôi với một con chim mái khác có "thể chất hoàn hảo" hơn.[37] Quá trình ghép đôi của chúng vẫn chưa biết rõ. Tuy nhiên, cặp chim mới có xu hướng tham gia vào các điệu nhảy giao phối đặc trưng bởi chúng cùng phối hợp, dang rộng đuôi cùng một phần của sải cánh.[38]

Vẹt Iguaca là loài làm tổ trong hốc cây thứ cấp. Nó thích làm tổ ở trên cây Cyrilla racemiflora, nhưng cũng sử dụng các loại cây khác để làm tổ, trong đó có cả Magnolia splendensDacryodes excelsa, nhưng ở mức độ ít hơn. Những loài cây này khi trưởng thành thường hình thành các hốc, tạo thành một nơi trú ẩn tốt và bảo vệ chúng chống lại kẻ thù và sự xâm nhập của nước. Gần đây, loài này cũng đã được nuôi trong các lồng làm bằng hộp gỗ nhân tạo được thiết kế như một phần của kế hoạch phục hồi và bảo vệ chúng. Chiều cao làm tổ từ 7–15 mét (23–49 ft) so với mặt đất. Chim trống thường dẫn chim mái đến những địa điểm làm tổ, mặc dù quyết định cuối cùng dường như là từ phía chim mái.[39] Một khi địa điểm đã được chọn, cặp đôi sẽ dành thời gian kiểm tra và làm sạch nó. Chúng không thêm các vật liệu lót vào tổ.

Một con non mới ra đời.

Vẹt Iguaca đạt tới độ thuần thục sinh dục ở khoảng 4 năm tuổi trong tự nhiên và 3 năm trong tình trạng nuôi nhốt. Loài này thường sinh sản một năm một lần, từ tháng 1 tới tháng 7 (trong mùa khô). Giao phối giữa các cặp dường như liên quan chặt chẽ đến việc chuyển giao thức ăn, điều này có thể phục vụ như là một thứ để tiến tới việc giao phối.[40] Chúng có một mô hình giao phối tương tự như các loài vẹt khác trên khắp Châu Mỹ, với chim trống kẹp chặt một chân vào nơi đậu còn chân kia thì đặt thụ động trên lưng chim mái.[41] Trong thời gian đẻ trứng, các cặp chim bố mẹ dành nhiều thời gian hơn trong tổ của chúng, với việc chim bố cung cấp thức ăn cho chim mẹ bằng mớm mồi.[42] Chim mái đẻ 2-4 trứng và chỉ mình nó ấp trong khoảng thời gian từ 24 đến 28 ngày, trong khi chim trống sẽ tìm kiếm thức ăn xung quanh tổ.[43] Chim mái hiếm khi ra khỏi tổ kiếm ăn, trừ trường hợp có các loài săn mồi đe dọa hay chim trống không thể kiếm ăn được [44] Con non được cả chim bố lẫn chim mẹ nuôi dưỡng cho tới khi rời tổ, thường là sau khoảng 60-65 ngày kể từ khi nở.[2] Tuy nhiên, chim non vẫn phụ thuộc vào chim bố mẹ và di chuyển cùng chúng cho tới mùa sinh sản tiếp theo.[3]

Như các loài khác trong chi Amazona, vẹt Iguaca là loài thích sống thành bầy trong các hoạt động hàng ngày, nhưng là loài chiếm giữ lãnh thổ trong vùng xung quanh tổ.[45] Lãnh thổ xung quanh tổ thường là khoảng 50 mét (164 feet) [5] Chúng cực kỳ thận trọng, thường di chuyển một cách chậm rãi khi rời khỏi tổ để tránh sự chú ý của kẻ thù.[46] Mặc dù việc bảo vệ lãnh thổ chủ yếu dựa vào việc phát ra các âm thanh lớn nhưng, cũng có nhiều trường hợp chúng chiến đấu bằng chiếc mỏ và móng vuốt của mình.[47] Cặp đôi sẽ bảo vệ khu vực làm tổ của mình trước các cặp chim khác có ý định muốn xâm nhập, đôi khi là tập trung vào việc bảo vệ vị trí thay vì đẻ trứng. Chúng làm tổ trong các khu vực không có những con vẹt khác sinh sống, chủ yếu là giữ im lặng trừ khi có những con vẹt khác tiến vào khu vực đó.[48] Một số cặp có thể thể hiện tính chiếm hữu lãnh thổ vừa phải ngay cả khi chúng không có ý định làm tổ, với xu hướng này bắt đầu trong nửa sau của mùa sinh sản. Một giả thuyết cho rằng điều này xảy ra ở các đôi chim non chưa đạt được sự thuần thục đầy đủ, có vai trò như là bài thực hành về chiếm hữu lãnh thổ.[49]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vẹt Iguaca http://www.elnuevodia.com/ciencia/ciencia/nota/bos... http://www.elnuevodia.com/ciencia/ciencia/nota/seq... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/co... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/co... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/en... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/ga... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/in... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/li... http://www.gigasciencejournal.com/content/1/1/14 http://www.gigasciencejournal.com/content/pdf/2047...